Từ xa xưa, thưởng thức trà sen là thú vui tao nhã chỉ dành riêng cho những vương tôn công tử và những gia đình quyền quý. Uống trà sen đúng cách là ngồi trên sập gỗ, dưới mái hiên, giữa đầm sen bát ngát.
Nhưng
ngày nay, người dân Hà thành vẫn tìm được chốn thanh bình đó, thưởng
trà, ngắm hoa, tìm về với văn hóa nguồn cội của dân tộc. Đặc biệt gần
đây, khi mùa sen nở, nhiều bạn trẻ Hà thành lại mê uống chè sen sáng
sớm bên hồ Tây.
Ngồi thưởng trà bên đầm sen ngát hương đang được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.
|
Sen sớm — thú thưởng trà mới lạ
Sớm mai lấp ló vài giọt nắng. Giữa khoảng
không gian mênh mông, làn sương mỏng manh đang tan đi trong mùi sen
thơm nức... 5h sáng, mấy chiếc ghe bắt đầu vào việc. Đôi mắt tinh nhanh
của người hái sen tìm kiếm những búp sen “hé miệng sáo” đang lấp ló
giấu mình sau những tấm lá. Và rồi chính họ cũng thoắt ẩn thoắt hiện
trong đầm sen mênh mông. Chỉ biết là trước khi nắng lên thì ghe đã cập
bờ đầy ắp búp sen hồng.
Sen hồ Tây xưa nay vẫn nổi tiếng dùng để ướp
trà bởi mùi hương quyến rũ của nó. Phải hái nhanh, nhẹ nhàng thì búp
sen mới không nhàu nát. Hay là ở chỗ, như một nghệ thuật, họ bẻ đúng
đoạn ngó non và để sen rơi tự nhiên nhưng chính xác vào mạn ghe. Chèo
ghe cũng phải có kỹ thuật thì mới vượt qua những tầng sen dày đặc, đầy
bất trắc. “Có ngày bị ngã thuyền mấy lần, tay chân thì bị gai sen đâm
khắp” - chị Hà, người có thâm niên làm nghề hái sen tâm sự.
Sen ướp trà ngoài chuyện cần được hái lúc sáng
sớm thì thời tiết thay đổi cũng làm tăng hay giảm chất lượng sen ướp,
mưa quá làm sen nhạt hương, bay hết gạo, gió Tây về thì hoa sen nhỏ,
ngọn sen dai ảnh hưởng xấu tới chất lượng. Những lúc như thế, thay vì
dùng 1.500 - 2.000 hoa ướp cho 1kg trà, thì phải dùng đến gần 3.000
bông.
Ướp trà vào sen
|
Trà
sen ngon phải qua nhiều công đoạn ướp sấy cầu kỳ. Một ấm trà sen có thể
uống hàng chục tuần trà. Nước trong rồi, hương sen vẫn còn thơm ngan
ngát. Có lẽ chẳng mấy ai nói hay về uống trà sen như nhà thơ Vũ Hoàng
Chương khi ông viết: “Nâng chén mừng anh thưởng vị trà/Đừng quên tan
tác mấy đời hoa/ Cạn từng hớp nhỏ cho sen đượm/ Vớt lại trần ai một
chút ta” (Qua áng hương trà).
Đầm sen một sáng tinh sương. Men theo con
đường đất gồ ghề cạnh công viên nước hồ Tây, chúng tôi ghé chân vào
quán cóc nhỏ ven đường. Cuối tuần, nhiều bạn trẻ chịu khó dậy từ sớm,
xúng xính váy áo chụp ảnh và không quên thưởng thức hương vị trà sen
tại đầm. Đỗ Thu Hồng 23 tuổi, chia sẻ: “Trà sen phải uống tại đầm sen
mới hiểu hết được vị và chất của nó. Mình thường lên thưởng trà tầm
chiều muộn. Khi đó có thể đón cả hoàng hôn và lúc trăng lên, cảm giác
rất thích, chỉ còn ta với thiên nhiên”.
Không cầu kỳ, trà sen sớm thơm hương tự nhiên
của đất trời lại có cách ướp độc đáo. Khi hoàng hôn rải nắng vàng lên
mặt hồ, người ta chèo thuyền chọn những bông sen chớm nở, lén bỏ vào
một dúm trà nhỏ. Sớm hôm sau khi ánh bình minh chưa chạm tới, người ta
lại chèo thuyền hái bông sen vừa ướp về. Ấm trà không chỉ có chè ướp
trong sen mà còn có cả tua sen và gương sen. Nhiều bạn trẻ thắc mắc khi
mua bông về pha không thơm như ngoài quán, cô chủ quán trà tươi cười
giải thích: “Bí mật là ở nước pha trà. Ngày xưa các cụ hứng nước từ lá
sen còn đọng sương sớm, nay không được như thế thì mình dùng nước mưa
để lưu giữ hương thơm”.
Hái sen
|
Quán
cóc của chị Linh nằm ngay cạnh đầm sen là không gian lý tưởng cho các
bạn trẻ đến ngắm hoa và thưởng trà. Đông vui nhất những ngày cuối tuần,
từng nhóm thanh niên lên đây, đôi khi chỉ để tìm cảm giác mới, với
không gian giản dị mà thanh tịnh, tránh xa những ồn ào, nhộn nhịp khói
bụi nơi thành thị. Hít hà chén nước còn nóng, Nguyễn Tiến Đại - sinh
viên Đại học Xây dựng Hà Nội nói: “Lần đầu tiên thưởng thức trà ở đây
nhưng mình cảm thấy khá thú vị. Không thể tuyệt hơn khi ngồi thưởng trà
giữa mênh mông đầm sen như thế này. Hương vị trà cũng khác với trà mình
từng uống. Trà sen sớm càng uống lâu lại càng thơm và ngọt”. Đi cùng
Đại có cô bé Thùy Linh đang chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học. Chén trà
sen giúp Linh giảm bớt những áp lực căng thẳng trong học hành.
Sang chiếu trà khác, Nguyễn Minh Châu, 29
tuổi, người gắn bó với trà đạo 7 năm qua cho biết: “Khoảng 2- 3 năm gần
đây, người trẻ bắt đầu quay lại với văn hóa trà Việt. Nhưng không phải
ai cũng thưởng thức trà theo đúng nghĩa của nó, có khi họ chỉ uống theo
trào lưu mà không hiểu về nó. Uống trà tại đầm sen, thưởng không chỉ
bằng “vị” mà còn bằng mắt, bằng cảm giác nên sẽ thích thú hơn”. Giá trà
sen tại quán là 35.000đ/ấm, còn mua bông sen ướp trà là 15.000/ bông.
Không bảo quản được lâu như trà ướp khô nhưng uống trà sen sớm ngay tại
đầm cũng là thú thưởng thức mới lạ giới trẻ đang tìm đến.
Văn hóa trà sen Việt dần được phục hưng
Đến Hiên trà Trường Xuân nằm nép mình trên con
phố nhỏ Ngô Tất Tố, bạn sẽ cảm thấy ngạc nhiên với hình ảnh những cô
cậu trẻ tuổi vừa trò chuyện vừa thưởng thức trà sen. Cứ tưởng uống trà
từ lâu chỉ là thói quen và sở thích của người lớn tuổi, nhưng đến Hiên
trà này mới thấy sự đổi thay trong cách sống của lớp trẻ. Trò chuyện
với nhiều bạn, chúng tôi biết đây không phải là lần đầu họ đến thưởng
trà. Khác những quán cà phê quen thuộc, không gian mới này mang lại cho
họ cảm giác nhẹ nhàng, yên tĩnh.
Thanh niên đến Hiên trà đông vào các buổi tối
và ngày nghỉ. Hiên trà nổi tiếng lâu năm với trà ướp sen hồ Tây, nhiều
người đã là khách quen, nhiều người lại tò mò tìm đến. Nhìn từng ấm trà
nhỏ nhắn, từng chén trà nóng bốc hương thơm phức, rồi cách pha trà có
phần còn lóng ngóng của các bạn khiến chúng tôi thấy rất thú vị. Các
bạn trẻ đến đây không đơn thuần là đam mê uống trà, thưởng thức trà, mà
còn muốn tìm hiểu nghệ thuật uống trà sen. Ông chủ Hoàng Anh Sướng -
một nhà báo tâm huyết với văn hóa trà Việt hứng khởi: “Rất nhiều người
nghĩ rằng uống trà Việt truyền thống chỉ dành cho những ông già, bà già
râu tóc bạc phơ. Nhưng bất kể ai khi đến Hiên trà rồi đều bất ngờ vì
các em trẻ đến uống trà rất đông. Bây giờ 95% khách đến quán là thanh
niên. Đó là điều thật sự đáng quý”.
Thưởng trà
|
Anh
Sơn, 27 tuổi, chia sẻ: “Khi uống trà mình thích ngắm nghía màu sắc của
nước trà. Mình không uống ngay mà thường đưa chén trà lướt nhẹ qua mũi,
để có thể cảm nhận được hương trà. Khi nhấp một ngụm trà vào miệng,
thấy đắng và chát. Nhưng dư vị để lại cuối cùng lại là vị ngọt lan tỏa
nơi đầu lưỡi xuống tận cổ họng”.
Thưởng trà là thế, vị đắng của trà là vị đắng
của sự trải nghiệm, là vị của sự ghi nhớ. Bởi vì bình thản đi qua những
đắng chát, mới thấm thía hết dư vị ngọt thanh cuối cùng để nhớ mãi. Khi
uống trà, người và trà thân thiết như tình thân giao hòa tâm linh mộc
mạc. Có những bạn trẻ đến quán, tay vẫn gõ laptop đều đặn, bên cạnh là
một ấm trà, thỉnh thoảng nâng chén nhâm nhi suy ngẫm. Nhiều vị khách
đặc biệt còn sắm cho mình một bộ ấm riêng. Em Hiền — phục vụ tại Hiên
trà cho biết: “Có 7 anh chị chung sở thích uống trà bằng ấm riêng của
mình như thế này. Không ai khác được uống ấm này ngoài họ”.
Hiền chỉ tay lên giới thiệu bài thơ “Độc” anh
Linh Vũ viết tặng quán. Anh bạn trẻ này rất nghiền trà, nghiền đến mức
hôm nào cũng lên quán và chỉ uống... một mình. Ngoài cách thưởng trà
“độc ẩm” như anh Linh Vũ, nghệ thuật thưởng trà Việt Nam còn có 2 cung
bậc nữa là “đối ẩm” và “quần ẩm” và bạn trà phải là những người có cùng
tâm khí.
Tách trà sen thơm nồng
|
Dù
thưởng thức trà sen ở bất kỳ đâu, khi được trải lòng cùng những người
bạn tri kỷ, thì thời gian như ngưng lại, những tất bật bon chen trong
cuộc sống cũng dường như tan biến. Cảm nhận vị đắng chát trên đầu lưỡi,
sau cùng là ngọt thanh bất tận với hương thơm tuyệt diệu, trà sen sẽ
làm ấm lòng người Việt trẻ - những con người nhân ái luôn yêu thương
những câu chuyện cổ tích kết thúc có hậu.