Chỉ một tháng nữa là tới ngày diễn ra "Chương trình bán hàng giảm giá cho khách du lịch" nhưng thông tin vẫn khá im ắng. Nhiều ý kiến lo ngại về hiệu quả thực sự của chương trình.
Một
cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hội An (ảnh: VietNamNet)
Lần đầu nên chậm trễ
Lên kế hoạch và bàn bạc từ cuối tháng
2/2010, cụ thể hoá bằng quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vào đầu
tháng 3, đến nay, mới có thành phố Đà Nẵng giới thiệu 30 đơn vị gồm
khách sạn, khu nghỉ, công ty du lịch, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, khu
du lịch, siêu thị... với mức giá giảm từ 5 đến 40%.
Còn thành phố Hà Nội có 18 đơn vị,
chiếm đa số là các cửa hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, lụa tơ tằm,
tranh nghệ thuật... , mức giảm từ 10 đến 25%. Ngoài giảm giá, một số
đơn vị còn giảm hoặc miễn phí các dịch vụ, giảm trực tiếp bằng số tiền
cụ thể hoặc thành phiếu mua hàng.
Tuy nhiên, dễ nhận thấy là tại Đà
Nẵng, thời gian giảm giá chưa thống nhất. Trong khi nhiều đơn vị lữ
hành, khách sạn tự nguyện giảm giá đến hết năm, thậm chí giảm tới tận
2/2011, thì có siêu thị chỉ đăng ký giảm giá hơn chục ngày đầu tháng
8... Chương trình khuyến mãi này là giảm chung có mọi khách hàng, chứ
không riêng gì khách du lịch.
Trong khi đó, "Grand Sale 2010" là một
trong những hoạt động chính của chương trình kích cầu du lịch năm 2010
có tên gọi "Việt Nam- Điểm đến của bạn", triển khai trong hai tháng 8-9,
ban đầu thí điểm tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Tổng cục Du lịch kỳ vọng, với mức giảm
giá từ 10 lên tới 50% tại các trung tâm thương mại, cửa hàng, điểm tham
quan, điểm cung cấp dịch vụ du lịch... sẽ thu hút hơn du khách nội địa
và quốc tế.
Tuy nhiên, mới có Hà Nội và Đà Nẵng là
gần như hoàn tất việc đăng ký, trong khi TP.HCM - thành phố du lịch
năng động nhất nước - vẫn đang trong quá trình tập hợp danh sách.
Theo kế hoạch, có rất nhiều sự kiện
diễn ra trong 2 tháng này, như tổ chức các phố mua sắm, phố nghệ thuật,
thủ công mỹ nghệ và phố ẩm thực; chương trình bốc thăm trúng thưởng cho
khách; hội chợ bán hàng giảm giá... song, vẫn chưa có nhiều thông tin về
việc chuẩn bị các hoạt động này.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn
Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho biết, các
hoạt động trên là do Sở Công thương địa phương tổ chức, du lịch chỉ phối
hợp tham gia. Song, bản thân ông
cũng sốt ruột vì là lần đầu tổ chức nên chương trình diễn ra chậm hơn so
với dự kiến. Cũng vì muộn nên trong các chương trình xúc tiến, quảng bá
của ngành du lịch thông tin vẫn chưa đến được khách quốc tế.
Giá thực chất có giảm?
Nhiều công ty du lịch cũng tỏ ý lo
ngại về hiệu quả của chương trình, bởi đã ra đời muộn mà công tác quảng
bá lại quá yếu. Thậm chí, có ý
kiến cho rằng việc tổ chức này mới là thử nghiệm, tập tành nên mang tính
chất hình thức là chủ yếu, sẽ khó gặt hái hiệu quả.
Phố
Hàng Gai là địa chỉ mua sắm quen thuộc của nhiều khách quốc tế
khi đến Hà Nội (ảnh: VietNamNet)
Ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công
ty du lịch Thế Hệ Trẻ (TP.HCM) nhận xét, cần phải quảng bá rầm rộ thì
khách mới biết chứ không phải "nước đến chân mới nhảy".
Trên thực tế, truyền thông vài ngày
nay mới rậm rịch thông tin về việc Hà Nội và Đà Nẵng giới thiệu các cửa
hàng giảm giá cho du khách trên website. Tuy nhiên, trang web này lại
không được kết nối đến website của Tổng cục Du lịch để quảng bá. Người
viết cũng chưa gặp bất kỳ hình ảnh nào về chương trình này trên các cờ
phướn, băng rôn, tờ rơi...
Trong khi đó, để triển khai bất kỳ
chương trình nào phải có kế hoạch trước ít nhất 1 năm để chuẩn bị. Ông
Dũng cho rằng, bản thân khách du lịch cũng cần thời gian xem xét, cân
đối chi tiêu khi mua sắm. Còn tâm lý ở Việt Nam lâu nay vẫn là ăn chắc
mặc bền, làm tới đâu quảng bá tới đó.
Còn ông Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc
Hanoi Redtours, đánh giá, việc học kinh nghiệm Malaysia, Singapore,
Hongkong... triển khai bán hàng giảm giá do khách du lịch là tốt, nhưng
hàng hoá tại các nước là hàng xịn, và giảm là giảm thật. Còn chúng ta
làm thế nào chứng minh là giảm giá thật mà hàng vẫn đảm bảo chất lượng?
Đáng lưu ý lâu nay trong ngành du lịch
vẫn còn tình trạng "phết phẩy," tức trả các cửa hàng lưu niệm, điểm
tham quan phải trả phần trăm hoa hồng cho lái xe, hướng dẫn viên đưa
khách vào mua sắm.
Có đơn vị lữ hành tiết lộ, một số cửa
hàng ở Ngũ Hành Sơn, quà lưu niệm tại Sài Gòn, Phan Thiết... đang phải
chi hoa hồng tới 30-40% nên đó là áp lực đè nặng lên lợi nhuận. Bây giờ
kêu gọi họ giảm giá thì nếu có hưởng ứng giảm, hàng bán ra có khi chỉ là
hàng tồn, kém chất lượng.