Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi An Bằng là nơi dừng chân của nhiều khách du lịch, để chiêm ngưỡng một “thành phố lăng mộ” có trị giá hàng chục tỉ đồng! Với phong trào đua nhau “xây chữ hiếu” những ngôi mộ “bề thế” được dựng lên tại đây. Cũng nhờ thế không ít người tại làng An Bằng “phát tài” từ xây huyệt mộ...
Ngôi mộ được xây dựng theo kiểu mới nhất ở làng An Bằng.
|
Kiến trúc... lăng mộ
Dọc theo bờ biển Thuận An chúng tôi về với làng An Bằng (Phú Vang,
tỉnh Thừa Thiên Huế), một địa danh nổi tiếng với những lăng mộ. Mỗi
ngôi mộ nơi đây được ví như những “lâu đài”, đi vào trong lăng mộ mà
cảm giác như đang chới với giữa những tòa tháp nguy nga, với những bức
tường chạm trổ đủ màu.
Việc xây thành phố lăng mộ là do vấn đề quan niệm
của người dân. Xây mộ như để báo hiếu, mộ càng to càng lớn thì chữ hiếu
càng cao nên phong trào “đua chữ hiếu” diễn ra rầm rộ. Có người phải
bán đất để xây được một cái lăng mộ, cho dù nhà mình chưa xây. “Làm gì
thì làm chứ có tiền là mọi người lại đua nhau xây lăng mộ. Có người khi
xây xong chưa ưng ý đập đi, rồi lại gom góp thêm để xây được mộ với
kiểu dáng đẹp hơn...”, ông Chinh, người dân tại đây, cho hay. Đa số
người dân xây dựng được những ngôi mộ như vậy là nhờ con đi làm ăn ở
nước ngoài gửi về để cho người thân xây lăng.
Nhìn xung quang những ngôi mộ cứ san sát nhau, cảm
giác như mình đang lạc giữa mê cung. Các ngôi mộ “hoành tráng” đều được
lát bằng những viên đá và chú trọng đến nghệ thuật điêu khắc trên
đá. Những ngôi mộ có kiến trúc cổ còn giữ được các đường nét của thời
vua chúa, những đường nét hoa văn được uốn lượn truyền thống thể hiện
trong cách pha màu.
Hiện nay, những ngôi mộ xây mới được coi trọng đến
kiến trúc, nhiều ngôi mộ phải thực hiện trên các bản vẽ. “Tôi đang
chuẩn bị xây lăng mộ cho ông cụ, nhưng đang chờ bản thiết kế. Chủ yếu
xây dựng theo kiến trúc cổ, kể cả màu sắc lẫn phong cách thể hiện...” -
ông Hiến, một người dân ở An Bằng, nói.
“Nhiều gia đình khi xây lăng mộ người ta chọn phương
hướng, cách tân màu sắc, đường viền, đều mang vẻ cổ kính theo hình của
các lăng mộ cổ ở nước ngoài, trong nước...”, anh Hiến cho biết thêm.
Mỗi ngày An Bằng thường có những đoàn ô tô của du
khách trong nước và nước ngoài đến đây để thưởng thức những tác phẩm
nghệ thuật. “Những đường nét rất tinh tế, nó mang một vẻ tự nhiên...
Đó là những nét đẹp đầu tiên thu hút tôi tới đây...”, bà Help Charity,
một du khách đến từ Anh, cho hay.
Kiến trúc ngôi mộ lát bằng đá.
|
Nơi người chết nuôi... người sống
Những tác phẩm điêu khắc chủ yếu do các tay thợ
trong làng làm. Họ là những người khéo tay, làm việc rất chuyên nghiệp.
Bởi thế không ít người phát tài vì nghề kinh doanh huyệt mộ.
Đa số gia đình xây những ngôi mộ hoành tráng
là nhờ các khoản tiền của anh em ở nước ngoài. Có thôn 70% người sống ở
nước ngoài, họ báo hiếu bằng cách xây những lăng mộ như thời vua chúa.
Chính nhờ thế mà những thợ xây nơi đây chẳng bao giờ nghĩ đến việc bị…
thất nghiệp.
“Làm thợ xây ở đây cũng thích, khi nào việc cũng
luôn tay. Cứ xây cái này xong lại có cái mới để xây, đôi lúc không dám
nhận nhiều vì sợ làm không nổi. Một ngôi mộ xây xong ít nhất cũng mất
gần 8 tháng, có cái xây cả năm... ", anh Hùng, thợ xây tại đây chia sẻ.
"Mấy cái đó xây 4 năm rồi giờ nhà chủ người ta thấy nhiều ngôi mộ có
kiến trúc đẹp hơn, nên đã thảo đi để xây theo phiên bản mới”, anh chỉ
tay về phía ngôi mộ đang bị tháo gỡ, nói thêm.
Một cái cột lăng được xây dựng đôi lúc mất cả tháng
trời chưa xong, nhất là ngôi mộ nào được lát bằng đá. Xây lăng mộ là
những người đã trải nghề vài năm chứ lững chững vào thì khó mà làm
được.
“Những thợ xây mộ tại đây không chỉ biết cách xây mà
cần có sự khéo léo, kèm thêm một chút kinh nghiệm. Khi xây nhà, những
chi tiết còn thô thì họ bỏ qua, nhưng xây huyệt mộ chỉ cần sơ suất
người ta không ưng ý là mình phải làm lại ngay...”, anh Hùng cho biết
thêm.
Những người thợ nề ở đây không chỉ giỏi nghề, mà còn
cần phải nghiên cứu về kiểu cách xây, cần phải có sáng tạo để tìm ra
các nét mới trong cách xây dựng, biết kết hợp các lăng mộ của thời vua
chúa và những kiểu cách kiến trúc hiện đại. Sự kết hợp hài hòa sẽ làm
cho những ngôi mộ trở nên rực rỡ. Chính vì thế người thợ xây vừa thiết
kế vừa thể hiện tài năng mới ăn khách.
Bởi thế mà nhiều thợ nề ở đây sau một thời
gian đã xuất ngoại. Họ được các mối ở nước ngoài mời sang. “Năm vừa rồi
đứa con thứ 2 của tui nó được một người thuê sang Đài Loan để xây mộ
cho họ và những công trình kiến trúc mộ thẩm mỹ...”, ông Hoàng, người
dân tại đây, hứng khởi cho biết thêm. Mỗi thợ xây được mời sang nước
ngoài lương bèo nhất một tháng cũng được 9.000.000 đồng.
Điều đặc biệt của các thợ nề xuất ngoại đó là giỏi
về nghệ thuật điêu khắc đá, vẽ tranh, hoa văn và kỹ thuật gắn miếng vỡ
từ loại chén bát có men. Sự khéo léo tinh tế của những thợ kép thể hiện
trong tạo hình, đắp nổi, trau chuốt từng chi tiết nhỏ.
Có lẽ cũng chính kiến trúc đầy tinh tế và nghệ thuật ấy mà những thàng phố lăng mộ
ở An Bằng rất được du khách nước ngoài quan tâm. Bởi thế không ít những
thợ nề nơi đây đã có cuộc sống khá hơn nhờ thiết kế và xây dựng các
huyệt mộ.