Trong khi hàng loạt chợ truyền thống đã và đang được xem xét để chuyển đổi sang hình thức siêu thị cho phù hợp với xu hướng mới thì nhiều khu chợ vẫn là điểm thu hút không chỉ người tiêu dùng mà cả khách du lịch.
Chợ truyền thống vẫn hút khách nhờ hình thức kinh doanh chuyên một số mặt hàng
|
Không chỉ thỏa mãn nhu cầu mua sắm, việc đi chợ gần như trở thành
niềm vui của rất nhiều chị em. Shopping ở chợ chắc hẳn không có cảm
giác thư giãn như tại siêu thị nhưng vẫn được giới nội trợ ưa thích vì
giá rẻ. Đặc biệt, nhiều chợ có thế mạnh bán chuyên một số mặt hàng.
Bí quyết đầu tiên mà hầu như chị em nào cũng biết, là nên tùy theo
nhu cầu mà tìm đến đúng chợ. Nhiều chợ có “thương hiệu” bởi “chuyên
trị” một số sản phẩm riêng. Chẳng hạn, khi đi mua vải vóc, áo quần ở
miền Bắc thì nên tìm đến chợ Ninh Hiệp, làng lụa Vạn Phúc, chợ Đồng
Xuân; còn ở Sài Gòn thì chịu khó lên chợ vải ở quận 5, Chợ Lớn, Tân
Định... Với các loại quần áo cao cấp hơn thì tìm đến chợ Bến Thành, chợ
An Đông, Saigon Square. Mua vật tư, vật liệu xây dựng có thể đến 2 chợ
chuyên kinh doanh mặt hàng này tại quận 5. Muốn mua sắm, nâng cấp, tân
trang các thiết bị điện tử thì tìm đến chợ Nhật Tảo, mua các loại thực
phẩm tươi sống thì đến chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Chợ Kim Biên nổi
tiếng với vô vàn các mặt hàng hóa chất, mỹ phẩm, linh kiện điện thoại.
Gần đây, chợ miễn thuế ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) thu hút dân mua
sắm và đông đảo khách du lịch. Ở đây không chỉ đặc biệt đa dạng, phong
phú các chủng loại hàng hóa mà giá cả cũng thường rẻ hơn khá nhiều so
với mua tại các cửa hàng. Nhìn chung, tại các chợ lớn, giá cả thường rẻ
hơn siêu thị và cửa hàng bên ngoài từ 10 đến hơn 30%. Đó là lý do vì
sao nhiều chợ vẫn được ưa chuộng. Tại TP.HCM, chợ Bến Thành, chợ An
Đông còn được coi như một điểm đến của du khách để mua sắm các mặt hàng
đặc trưng với giá rẻ và thưởng thức văn hóa chợ truyền thống.
Với nhiều người, điều thú vị khi đi chợ là được thỏa sức trả giá.
Tuy không có quy định, nhưng đa số các chợ vẫn còn chuyện người bán nói
thách, buộc người mua phải… tự tìm đúng giá trị của món hàng. Trả giá
được coi như một nét văn hóa của chợ. Theo kinh nghiệm của những người
sành đi chợ, việc đầu tiên là phải khảo giá. Có thể tham khảo giá trước
tại các siêu thị, trang web mua bán, thậm chí có thể khảo giá ngay tại
chợ bằng cách đi một lượt các gian hàng, quan sát những người mua khác
để nắm giá cả. Đôi khi, chỉ cách mấy sạp hàng, giá cả đã có sự chênh
lệch kha khá. Để tránh trường hợp bị hớ hoặc hứng chịu những cáu giận
vô lý của người bán trong quá trình ngã giá, tốt nhất bạn nên đi cùng
một nhóm bạn, đặc biệt là những người có kinh nghiệm. Nên xem hàng kỹ
càng trước khi trả giá để đưa ra mức giá hợp lý nhất và tránh trường
hợp mua phải hàng không ưng ý.
Tuy nhiên, nhiều bà nội trợ lại cho rằng tuy mua được nhiều đồ rẻ
hơn, nhưng đôi khi đi chợ lại tốn tiền hơn, vì thấy hàng rẻ sinh ham,
mua mà không tính toán kỹ.
Chợ đầu nối nông sản Thủ Đức
|
Chợ Bến Thành
|